Luận bàn Nạn kiêu binh

Bàn về nạn kiêu binh, sách Việt sử tân biên (quyển 3) có đoạn như sau:

Riêng nạn kiêu binh lộng hành; ngai vàng,sự nghiệp của vua Lê chúa Trịnh cũng đủ đổ, huống hồ vua chúa và quan lại cũng hư hèn. Buổi đầu, kiêu binh có chút công lao phò tá, nhưng sau này vì vua chúa không biết điều khiển họ, để họ lợi dụng lạm dụng quyền thế để làm bậy bạ khiến họ Lê, họ Trịnh đều phải đổ vỡ. Tới khi binh Tây Sơn ra Thăng Long, thì đội quân này như một cơn lốc làm ngã ngay cái cây đã bị sâu mọt đục nát...Gia chính cũng như quốc chính, một khi có lũ con cưng đó, tất nhiên phải đưa thiên hạ đến chỗ đại loạn. Lịch sử không chỉ trách kiêu binh, mà còn phải qui trách nhiệm cho những người cầm đầu dân tộc đã vụng suy dại nghĩ.[13]

Ngoài ra, việc kiêu binh giết chết Quận Huy còn gây thêm một hậu quả nữa. Theo sử Việt thì ngay khi tin Quận Huy bị giết lan truyền tới Nghệ An, đã làm Nguyễn Hữu Chỉnh hết sức lo sợ, vì ông là tay chân thân tín của Quận Huy. Cho nên ông vội đến gặp Trấn thủ Vũ Tá Dao, cũng là em rể Quận Huy, bàn việc chiếm lấy Nghệ An và viết mật thư xui Hoàng Đình Thể giết chủ tướng là Phạm Ngô Cầu để chiếm luôn Thuận Hóa. Thấy Vũ Tá Dao còn ngần ngừ, chưa thể dứt khoát, Nguyễn Hữu Chỉnh cùng với Hoàng Viết Tuyển, dắt díu vợ con chạy vào Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Nhạc. Để rồi năm 1786, Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn ra Bắc Hà diệt nhà Trịnh.[14]